Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng

0 nhận xét

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có buổi làm việc với các hiệp hội và DN sản xuất vật liệu xây dựng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành này.

Số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua, các DN sản xuất vật liệu xây dựng từ thép, gạch, xi măng đến gốm sứ đều chủ động giảm công suất, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không hề giảm. Trong khi lượng tồn kho xi măng đã về ngưỡng an toàn với khoảng 1,5 triệu tấn, thì tồn kho của ngành thép đang ở mức báo động với gần 400.000 tấn.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ cho biết, năng lực sản xuất của các DN đá ốp lát đạt 10 triệu m2 sản phẩm/năm, nhưng phải cắt giảm 50% lao động, trong khi ngành gốm sứ xây dựng hiện chỉ khai thác 70% công suất thiết kế. Hiện lượng hàng tồn kho của ngành gốm sứ xây dựng đã tăng lên 20%, với trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) cũng rơi vào tình trạng bi đát với 12 nhà máy có công suất thiết kế khoảng 1,5 triệu m3/năm, nhưng chỉ sản xuất 15% công suất và tiêu thụ chỉ đạt 15% lượng sản xuất.

Ngành kính cũng không khá hơn, cả nước có 4 nhà máy kính nổi hoạt động với 90% công suất (tương đương 273.000 tấn), nhưng tiêu thụ chỉ đạt 191.000 tấn, tương đương 70% lượng sản xuất. Lượng tồn kho vào khoảng 265.000 tấn, tương đương 5 tháng sản xuất. Không chỉ tiêu thụ kính nổi giảm, kính gia công như kính cường lực và kính dán an toàn cũng giảm khoảng 40 - 45%.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng | ảnh 1
Trong khi đầu ra khó khăn, các DN sản xuất vật liệu xây dựng lại phải chịu thêm gánh nặng đầu vào khi giá nhiên liệu, điện, than, xăng… đều tăng; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao...

Theo phản ánh của các hiệp hội, lượng tồn kho lớn, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều DN sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản.

Trước những khó khăn trên, các DN đều kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, để khơi thông đầu ra. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần giảm lãi suất vay, giảm thuế VAT, đồng thời có biện pháp để chống hàng nhập lậu, cũng như cho rà soát và bổ sung các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã dư thừa…

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị, nên nới rộng hạn mức vay cho ngành xi măng, bởi suất đầu tư cho xi măng quá lớn. Bình quân mỗi dây chuyền xi măng công suất 1 - 1,4 triệu tấn có mức đầu tư khoảng từ 2.500 - 3.500 tỷ đồng, bằng mức đầu tư của 10 - 15 nhà máy gạch AAC. Mặc dù ngành xi măng đã tìm đủ mọi cách để khơi thông đầu ra, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện sản xuất và tiêu thụ xi măng chỉ đạt 70 - 75% công suất thiết kế.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, Hiệp hội có 4 kiến nghị là giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ và giảm thuế VAT xuống còn 5%, Chính phủ đã giải quyết 3 khiến nghị, còn kiến nghị giảm thuế VAT xuống còn 5% vẫn chưa được chấp nhận. Chính phủ đã quy định ngành than phải bán cho xi măng dưới 10% giá xuất khẩu, nhưng hiện giá than bán cho xi măng cao hơn giá xuất khẩu. Không riêng gì xi măng, ngành thép và kính cùng có kiến nghị giảm 5% thuế VAT.

Ông Nguyễn Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam kiến nghị, ngoài việc miễn giảm thuế cho các DN sản xuất kính, Chính phủ cũng nên tăng thuế nhập khẩu, thiết lập hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm kính gia công trong nước.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, Chính phủ cần khoanh nợ, giãn nợ cho các DN và phải có chính sách kích cầu mới giải quyết tận gốc vấn đề tồn kho vật liệu xây dựng. Trong đó, chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng bằng bê tông xi măng của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần sớm được triển khai.

Từ những kiến nghị của các hiệp hội và DN vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bên cạnh những giải pháp dài hạn như xem xét lại quy hoạch, xây dựng chiến lược xuất khẩu vật liệu xây dựng…, biện pháp trước mắt để giúp các DN vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn là giảm thuế, giảm lãi vay, chống hàng lậu…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu cụ thể và đề xuất giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ, nhằm ban hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các DN vật liệu xây dựng cần chủ động cấu trúc lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

“Thị trường vật liệu xây dựng đang như cơ thể không muốn ăn”
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Gạch Đồng Tâm Long An

Thị trường vật liệu xây dựng thời gian qua quá khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến DN. Vì vậy, chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho phù hợp, để tránh lượng hàng tồn. Có lúc chúng tôi đã phải giảm công xuất sản xuất từ 10 - 30%, trong đó tháng Tết phải ngừng sản xuất.

Đúng là việc bán hàng trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn. Để tăng lượng bán ra, việc giảm giá bán đang là một xu hướng chung và Đồng Tâm cũng áp dụng để phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi tạo ra một chính sách giá cả hợp lý, có chính sách chiết khấu hợp lý cho các đại lý, thay vì cứ liên tục giảm giá. Hiện thị trường vật liệu xây dựng giống như một cơ thể không muốn ăn uống, vì thế, để bán được hàng, chúng tôi phải tạo ra những mẫu mã mới phù hợp thị trường. Trong khi thị trường trong nước khó khăn và cạnh tranh khốc liệt, chúng tôi đã tính đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Trong đó, các nước như Iraq, Ai Cập, Trung Đông, chúng tôi đã bán được nhiều sản phẩm.

Do thị trường hết sức khó khăn, nên hiện chúng tôi không đặt mục tiêu tăng trưởng cao, lợi nhuận nhiều, mà chỉ mong giữ được khách hàng. Thậm chí, trong giai đoạn hiện nay, nếu có lỗ một chút thì cũng phải chấp nhận để trụ vững trên thị trường.

“Hàng đổi hàng là phương thức tốt cho cả DN vật liệu xây dựng và chủ dự án”
Ông Đỗ Việt Anh, Giám đốc CTCP Nishu Nam Hà

CTCP Nishu Nam Hà chuyên sản xuất các loại sơn dân dụng và công nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, Công ty đã tiết giảm chi phí, giảm sản lượng để duy trì hoạt động. Công ty cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc bán hàng, giảm thiểu hàng tồn kho, thu hồi vốn nhanh để xoay vòng sản xuất.

Cụ thể, đối với phân khúc dân cư, Công ty đã áp dụng hình thức quảng bá tập trung vào từng khu vực cụ thể chứ không làm tràn lan như trước đây.

Với phân khúc dự án chung cư, Công ty xác định đây là thị trường chính nên đã tập trung tiếp thị mạnh mẽ. Công ty cũng áp dụng phương thức mới là “hàng đổi hàng”, tức Công ty cung cấp sơn cho dự án và chủ dự án sẽ trả bằng căn hộ.

Tôi cho rằng, đây là một phương thức hay và nếu được nhân rộng sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên. Công ty vừa bán được hàng, vừa thu được sản phẩm căn hộ để đáp ứng nhu cầu của cán bộ nhân viên hoặc coi như một khoản đầu tư dài hạn. Chủ đầu tư có vật liệu để hoàn thiện dự án. Người tiêu dùng cũng có lợi ích khi tiến độ dự án được đẩy nhanh.

“Thị trường ngày càng chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường”
Ông Nguyễn Công Cường, Phó giám đốc CTCP Tập đoàn phát triển Đoàn Minh Công

Là một đơn vị chuyên sản xuất gạch xi măng cốt liệu được thành lập từ năm 2007, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay thực sự là thời gian khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có Công ty Đoàn Minh Công. Để vượt qua khó khăn, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Hiện nay, Công ty không chủ trương mở rộng quy mô sản xuất mà tập trung vào việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm của Công ty đã được sử dụng tại rất nhiếu dự án cao cấp như: Tòa nhà Keangnam, Hei Tower, Dự án Huyndai (Hà Đông), Vincom Village…

Sản phẩm gạch xi măng chốt liệu dần được thị trường chấp nhận càng chứng tỏ chủ trương phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường là đúng đắn. Hiện tại, chúng tôi đang chạy hết công xuất nhà máy (35 triệu viên gạch block/năm) để cung cấp cho thị trường.
(Theo ĐTCK)
Read more...

Giải pháp chống dột trong mùa mưa bão

0 nhận xét

 

Cùng với sự ngập lụt, nhà bị dột cũng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân trong những tháng cuối năm. Sản phẩm vữa khô polyme Mova được coi là một giải pháp thích hợp với thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam trong mùa mưa bão.

Chị Nguyễn Thị Hương Huyền (ở phố Hoàng Mai – một trong những “rốn ngập” của Hà Nội) cho biết, ngôi nhà của chị mới xây được hơn một năm. Thời gian gần đây, khi những cơn mưa lớn bắt đầu xuất hiện rồi kéo dài liên tiếp thì nhà chị cũng bắt đầu … dột. Chị Huyền bức xúc: “Ngày xưa, ở nhà cấp 4, mái ngói giấy dầu thì chuyện phải mang nồi niêu xong chảo ra hứng nước mưa dột đã đành một nhẽ. Nhưng bây giờ, gom góp, vay mượn mới xây được cái nhà tầng, mái bằng, quét sơn, ốp gạch màu mà nước vẫn dột… tong tong thì làm sao mà chịu nổi.”

Giải pháp chống dột trong mùa mưa bão | ảnh 1
Với sản phẩm vữa khô polyme Mova thì những hiện tượng thấm dột như thế này không còn là nỗi lo lắng nữa.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Huyền, rất nhiều hộ gia đình ở Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Cầu Giấy (những điểm nóng về ngập lụt)… cũng phải chịu cảnh nước từ ngoài đường tràn vào, nước từ trên trần nhà rỏ xuống. Mỗi khi trời mưa lớn, phố biến thành sông, tường nhà luôn ướt sũng. “Nước tràn từ ngoài đường vào thì chúng tôi còn đắp bờ chắn được, chứ nước dột từ trên trần xuống thì đúng là chẳng biết phải làm sao. Vá lại trần trông rất xấu mà có khi cũng chả trụ được với tình hình mưa bão như hiện nay.” Chị Huyền tâm sự.

Trước nỗi lo lắng của rất nhiều hộ dân, kỹ sư Vũ Thị Nguyệt, Giám đốc nhà máy Hóa chất xây dựng A&P, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho biết: “Hiện nay, hiện tượng thấm dột không chỉ xẩy ra ở những chung cư cao tầng mà còn xuất hiện nhiều ở các khu nhà riêng, thậm chí là ở các biệt thự cao cấp. Nguyên nhân là vì những công trình này không xử lý hoặc xử lý kém việc chống thấm phần mái nhà. Khi xây dựng, nhà thầu đã sử dụng loại vữa xây, vữa trát truyền thống, được trộn từ xi măng và cát chưa qua sàng lọc. Cát có lẫn nhiều tạp hại, bùn sét, gỗ mục, tạp chất hữu cơ nên khi trộn đã tạo ra những lỗ rỗng và liên kết rời rạc. Trời mưa, nước mưa thấm vào những lỗ rỗng đó gây ra tình trạng thấm dột”.

Hiểu rõ được nguyên nhân thì cách giải quyết không còn là vấn đề nan giải. Có một tin vui cho những gia đình như chị Hương. Hiện trên thị trường có một loại vật liệu xây dựng có thể “cứu nguy” cho những ngôi nhà thấm dột này. Đó là vữa khô polyme Mova. Vữa khô Polyme Mova được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, khép kín, công suất lớn theo công nghệ của CHLB Đức. Công nghệ này sử dụng vật liệu Nano, xi măng Polyme, cốt liệu chọn lọc và các phụ gia đa chức năng nhập khẩu nên có thể khắc phục nhược điểm hay co ngót của xi măng truyền thống. Khi bổ sung các phụ gia đa chức năng, các nhà sản xuất đã cải thiện và nâng cao các tính chất ưu việt về độ bền, độ bám dính, khả năng chống thấm, kháng khuẩn và chống co ngót. Chính vì vậy, vữa khô polyme Mova có thể khắc phục được mọi nhược điểm của vữa trộn tay truyền thống”. Nhưng điều đặc biệt đáng quan tâm là với vữa khô polyme Mova, người sử dụng có thể dán ngay lên bề mặt trần mà không phải bóc đi lớp vật liệu cũ, rất tiện lợi cho việc sửa chữa, chống thấm.

Để yên tâm chống chọi lại những cơn mưa kéo dài, đảm bảo an toàn cho các cá nhân và tài sản, mỗi gia đình nên lựa chọn những phương pháp tốt nhất để “củng cố” ngôi nhà – nơi trú chân quan trọng nhất.(Theo Baoxaydung)
Read more...

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Vật liệu xây dựng: Bán rẻ, bán chịu để giải phóng hàng tồn

0 nhận xét

 


Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) chỉ có giảm giá như “cho không”, bán chịu mới có thể giải quyết hàng tồn, lưu thông hàng hóa.

Nếu chỉ nhìn con số 3,4% tồn kho so với cùng kỳ năm trước, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, điều đó không nói được điều gì. Điều đáng quan tâm là tồn kho thực sự có quy mô bao nhiêu đối với nền kinh tế?

Mang hàng tồn đi…cho?

“Nếu làm ra 10 đồng mà tồn 8 đồng thì dù không tăng so với năm ngoái cũng là đã chết rồi. Dòng tiền của doanh nghiệp VLXD đang tắc, phát sinh nợ xấu, vay ngân hàng để làm gì khi tồn kho tăng cao, nên tín dụng tăng thấp là bình thường. Cốt lõi vấn đề là phải xử lý quy mô tồn kho”, ông Ánh nói.

Vật liệu xây dựng: Bán rẻ, bán chịu để giải phóng hàng tồn | ảnh 1
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng bán chịu, bán rẻ là biện pháp giải quyết hàng tồn kho hiệu quả. Ảnh: Như Ý.

Để giải quyết hàng tồn, vị này cho rằng, cần giảm giá, nhưng phải giảm như “cho không” để có chỗ cho sản xuất mới. Tuy nhiên, việc xử lý bằng biện pháp chưa có tiền lệ nên rất cần hỗ trợ của các cơ quan chức năng để DN mạnh dạn đưa ra các giải pháp xử lý hàng tồn. Bởi giải quyết hàng tồn kho là giải quyết sự sống còn của DN. Mà đó không chỉ  là sống còn trước mắt mà là sống còn lâu dài, vì nó liên quan đến rất nhiều cơ chế chính sách, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

Không mạo hiểm như đề xuất của ông Ánh, ông Nguyễn Huy Khánh, Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Hưng Thịnh, chuyên nhập khẩu xe máy từ thị trường châu Âu, cho rằng nếu bán chịu thì chắc chắn sẽ có người mua. Nhưng nếu khách hàng chây ỳ không thu được tiền thì cũng không làm gì được. Ông Khánh cho rằng, thời điểm này mới là sức mua thật của nền kinh tế.

Tính lại tồn kho bất động sản

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị nên xem xét lại chuyện tồn kho với bất động sản (BĐS). Ông Ánh cho rằng, chúng ta chưa dám nhìn thẳng khi cho vay đối với BĐS. Tính đến 30.4 là 150.000 tỷ đồng, nhưng con số của Ủy ban Giám sát tài chính (UBGS) là khoảng 350.000 tỷ đồng. Thế nhưng  khi tiếp xúc với DN thì dự phòng rủi ro cho BĐS và chứng khoán là rất lớn. Chỉ riêng hai khoản này đã khiến nhiều DN đang từ lãi sang lỗ, không thể tiếp tục vay hay trả nợ NH.

Điều đáng nói là các NH rất hay bị đổ tội khi tín dụng vay luôn ở mức 20 – 30%/năm. Thế nhưng, nếu nhìn vào DN sẽ thấy đa số DN khi có tiền, có lợi nhuận thì đầu tư chứng khoán, BĐS, còn toàn bộ vốn kinh doanh, sản xuất lại đi vay nên mới tắc tồn kho. Thế nên, phải coi BĐS là một dạng tồn kho và tồn kho bao nhiêu. Phải bóc tách được quy mô đầu tư vào BĐS không chỉ luồng vốn tín dụng đầu tư, mà phải đánh giá bao nhiêu tiền của của nền kinh tế ném vào BĐS.

Đừng ép tăng trưởng tín dụng

Theo mục tiêu ban đầu đặt ra, năm 2012, tổng tín dụng sẽ tăng trưởng 15 – 17%, nhưng đến hết tháng 7, Việt Nam mới chuyển sang tổng tín dụng tăng dương so với năm 2011, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) đã giảm xuống còn khoảng 8 – 10%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, không nên đặt ra mục tiêu đó để giải thích việc cứ phải tăng tín dụng mới tăng trưởng. Quan trọng nhất không chỉ từ giờ đến hết năm 2012 mà có thể vài năm tiếp theo phải ưu tiên mục tiêu tăng chất lượng, hiệu quả tín dụng nói riêng cũng như đầu tư của toàn xã hội trong mục tiêu tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế, chứ không phải đặt ra cái mục tiêu tính được mà rất dễ xảy ra rủi ro.

Ngoài ra, việc ép TTTD từ  8 – 10% cũng sẽ diễn ra cuộc chạy đua ép lãi suất cho vay xuống. Lúc đó xu thế lạm phát sẽ khó lường. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nếu ban đầu dự báo lạm phát đi xuống và chỉ đi lên vào cuối năm, thì những động thái vừa qua, chắc chắn lạm phát sẽ quay trở lại, ít nhất cũng tương tự những năm gần đây chứ không thể âm.
(Theo Đất Việt)
Read more...

Những xu hướng mới của thị trường vật liệu xây dựng

0 nhận xét

 

Các DN vật liệu xây dựng đang cho ra đời những sản phẩm có giá phải chăng, hoặc là những sản phẩm cao cấp, có tính chuyên biệt cao nhằm khơi thông đầu ra cho sản phẩm này.

Miền Bắc: Thương hiệu trong nước lên ngôi

Sự trầm lắng kéo dài của thị trường bất động sản khiến cho thị trường vật liệu xây dựng cũng ảm đạm theo. Trong bối cảnh đó, một số thương hiệu trong nước với chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý lại được ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, đại diện Công ty TNHH Thương mại Huyên Phượng chuyên bán thiết bị vệ sinh, gạch men và vật liệu trang trí nội thất tại 34 Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm nay, sức mua giảm khoảng 50% so với năm 2011. Mặc dù thời điểm này bắt đầu mùa xây dựng, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn. Sức mua giảm, các thương hiệu cao cấp vốn bán rất chạy trong các năm trước rơi vào cảnh bị ế ẩm, bởi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín trong nước, có giá bán rẻ hơn 4 - 5 lần.

Bà Phượng cho biết, những sản phẩm nội địa bán được hàng trong thời gian qua thuộc các thương hiệu như Prime, Picenza và Viglacera. Trong khi các thương hiệu ngoại nổi tiếng như Lilux, Kollor, Toto, khách hàng hỏi mua rất ít.

Trong khi đó, ngoài bán các sản phẩm của thương hiệu trong nước, sản phẩm chủ chốt của Công ty TNHH Selta tại địa chỉ 15 Cát Linh là các thiết bị gốm sứ Selta, một thương hiệu Hàn Quốc, được sản xuất tại Việt Nam.

Một đại diện bán hàng của Selta cho biết, hiện sức mua các mặt hàng gốm sứ xây dựng rất thấp. Trong đó, người mua có xu hướng mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín trong nước vì giá bán hợp lý.

Không chỉ các sản phẩm gốm sứ xây dựng mới khó khăn, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác như gạch nung, thép và xi măng cũng rất gặp khó trong tiêu thụ.

Đại diện một doanh nghiệp bán sắt thép và gạch xây dựng trên đường Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, theo quy luật, bắt đầu mùa xây dựng là các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng giá, tuy nhiên, đến thời điểm này, giá nhiều mặt hàng không những tăng mà còn giảm. Trong đó, gạch nung giảm khoảng 20% so với năm 2011, sắt thép cũng có xu hướng giảm giá mạnh, trong khi sức tiêu thụ rất thấp.

Do sức mua kém, các đơn vị sản xuất, nhà phân phối và các đại lý liên tục phải đưa ra chương trình khuyến mãi và chiết khấu để kích cầu. Thế nhưng, do thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc thị trường bất động sản, trong khi ngành này đang gặp khó khăn nên thị trường vật liệu xây dựng cũng khốn đốn.

Những xu hướng mới của thị trường vật liệu xây dựng | ảnh 1
Để đối phó với sự bão hòa của thị trường, các thương hiệu trong ngành vật liệu xây dựng đã tung ra các sản phẩm cao cấp, có tính chuyên biệt cao

Miền Nam: Đa dạng về chủng loại và giá cả

Trong khi thị trường vật liệu xây dựng phía Bắc chứng kiến sự lên ngôi của các thương hiệu nội, thì sự đa dạng về chủng loại và giá cả lại là đặc trưng của thị trường vật liệu xây dựng phía Nam.

Sự khó khăn của nền kinh tế và trầm lắng của thị trường bất động sản khiến các chủ đầu tư phải tìm kiếm công nghệ mới, vật liệu mới để hạ giá thành sản phẩm, từ đó các loại vật liệu giá rẻ nhưng chất lượng tốt lần lượt được ra đời.

Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, chương trình nhà ở công nhân tại Đồng Nai khi triển khai chắc chắn sẽ ưu tiên số 1 cho vật liệu mới để giảm giá thành sản phẩm.

Hiện thị trường đang có tấm tường 3D panel, rất thích hợp với công trình nhà cấp 1, 2. Bên cạnh đó cũng phải kể đến gạch bê tông cốt liệu. Đây hứa hẹn sẽ là vật liệu thay thế cho gạch nung truyền thống trong thời gian tới. Không chỉ giúp giảm giá thành xây dựng, loại vật liệu này còn thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) tin tưởng: “Hiện nay, do người dân đang làm quen với việc sử dụng gạch bê tông cốt liệu nên thị phần còn thấp, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ đây sản phẩm xây dựng chủ đạo”.

Ngoài những sản phẩm vật liệu xây dựng mới giá rẻ, trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm đặc thù. Hiện CTCP Thiết bị điện Nano Phước Thạnh, nhà phân phối sản phẩm thiết bị điện Panasonic đang đẩy mạnh phân phối các thiết bị chiếu sáng trang trí nội thất và đèn led. “Bóng đèn led có tuổi thọ gấp 4 lần đèn công tắc và mắt côn trùng không nhìn thấy, nên đèn led không hút côn trùng vào nhà”, Bà Kathy, phụ trách marketing Nano Phước Thạnh cho biết. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam do mức tiêu thụ còn thấp nên sản phẩm đèn led giá còn cao. Ngoài đèn led, tại triển lãm VietBuild diễn ra tại TP. HCM ngày 13/9, Panasonic cũng sẽ giới thiệu sản phẩm ổ cắm điện với thiết kế sang trọng có tính thẩm mỹ cao. Sản phẩm này nhắm đến phân khúc khách hàng trung lưu trở lên.

Để đối phó với sự bão hòa của thị trường, nhiều công ty đã đưa ra thị trường những sản phẩm chuyên biệt. Toto vừa tung ra sản phẩm cao cấp là nắp rửa điện tử (washlet), với vòi rửa tích hợp trong nắp rửa, có chức năng rửa trước, rửa sau hay rửa massage, sấy khô tự động và cả điều khiển tự động cầm tay. Giá của các sản phẩm này khá đắt từ 40 - 80 triệu đồng, nhưng không ít người mua. Trong khi đó, Inax đưa ra bàn cầu cảm ứng Satis phát âm thanh nhẹ nhàng, điều chỉnh lượng nước… cùng các tính năng phát sáng, rửa, sưởi, làm sạch tự động.       

“DN thép phải tạo được niềm tin và uy tín cho khách hàng”
Ông Lê Đăng Phong, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - Mỹ

Cơ sở hạ tầng khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn yếu và thiếu, do đó nhu cầu sử dụng thép và vật liệu xây dựng còn rất lớn. Vì vậy, đây sẽ làthị trường chính mà Công ty Thép Việt-Mỹ (tiền thân là CTCP Thép miền Trung) sẽ tập trung khai thác. Ngoài ra, Công ty cũng hướng đến các thị trường khác trong nước, cũng như xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Camphuchia, Myanmar…

Với lợi thế là mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước của các cổ đông của Công ty, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các đại lý để đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất, chất lượng nhất và giá tốt nhất.

Năm 2012 là năm khó khăn thực sự của các DN thép. Bên cạnh những đơn vị có hiệu quả kinh doanh tốt như VinaKyoei, thì cũng có nhiều DN thua lỗ, thậm chí trên bờ vực phá sản. Kinh doanh mặt hàng gì cũng có lúc thuận lợi và khó khăn, nhưng với ngành thép, để đứng vững trên thị trường, các DN phải đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại; công tác quản trị DN, quản trị sản xuất, cũng như quản lý chặt chẽ các chi phí; chất lượng sản phẩm phải luôn ổn định; công tác hậu mãi phải được chú trọng, nhất là phải tạo được niềm tin và uy tín cho khách hàng.

Như vậy, vào thời điểm hiện tại, không chỉ doanh nghiệp thép khó khăn mà rất nhiều DN cũng đang lâm vào tình thế “lâm nguy” và không còn con đường nào khác là phải tự cứu mình đãtrước khi chờ người khác cứu.

“Người tiêu dùng còn hiểu biết hạn chế về sản phẩm bê tông bọt siêu nhẹ"
Nguyễn Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại Nam Thái

Công ty chúng tôi chuyên cung cấp cho thị trường vật liệu xây dựng các sản phẩm chủ yếu là bê tông bọt siêu nhẹ, gạch bê tông khí chưng áp siêu nhẹ, gạch bê tông cốt liệu, tấm vách panel nhẹ… Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, Công ty chỉ duy trì hoạt động không quá 50% công suất.

Đối tượng khách hàng chủ yếu của Công ty hiện nay là các dự án xây dựng chung cư lớn, còn đối tượng nhà dân thì chưa nhiều do khó khăn chung của nền kinh tế, cũng như sự hiểu biết và quan tâm đến sản phẩm bê tông bọt siêu nhẹ còn hạn chế.

Những sản phẩm gạch và tấm panel cũng chỉ bán cầm chừng, chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng để tránh tình trạng tồn kho, đọng vốn. Tôi cho rằng, sẽ mất khoảng 2 - 3 năm nữa thị trường vật liệu xây dựng mới có cơ hội phục hồi.
(Theo ĐTCK)
Read more...